Long An: Tích cực phục hồi 17ha rừng ở Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen

|

Ngày 23-11, ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn (KBT) Đất ngập nước Láng Sen (Long An) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Long An, đơn vị đang phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và các đơn vị liên quan tích cực thực hiện Dự án phục hồi 17ha rừng tràm đặc dụng tại khu bảo tồn để khôi phục diện tích rừng bị mất và suy thoái.

Giống cây tràm để trồng trong khu bảo tồn

Theo đó, đơn vị đang và sẽ trồng mới 340.000 cây tràm, để phục hồi hệ sinh thái vùng ngập lũ, trữ nước ngọt, hấp thụ carbon, điều hòa khí hậu; góp phần hoàn thành kế hoạch trồng mới 110ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ biên giới giai đoạn 2021- 2025 đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt.

Công tác trồng rừng

Ngoài trồng cây tràm, KBT Đất ngập nước Láng Sen còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông cho 500 học sinh tại các trường học trong vùng đệm nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho thanh thiếu niên về giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước.

Ngành chức năng tỉnh Long An đã phối hợp Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và KBT Láng Sen thực hiện dự án phục hồi 17ha rừng tràm đặc dụng trong tiểu khu 11 với 340,000 cây tràm

Việc khôi phục 17ha rừng tràm trong KBT Đất ngập nước Láng Sen không chỉ góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu; mặt khác còn phục hồi, bảo tồn loài, cảnh quan tự nhiên đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười; gia tăng sự phát triển của các loài thủy sản, bò sát, nhất là các loài chim nước quý hiếm.

Rừng tràm đặc dụng sau khi được trồng

KBT Đất ngập nước Láng Sen là một trong số ít các khu vực ngập nước nội địa tự nhiên còn lại ở vùng ĐBSCL, với nhiều hình thái địa mạo, tạo ra hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng đa dạng, phong phú: đầm lầy, đồng cỏ ngập theo mùa, rừng tràm, đai rừng ven sông, là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật hoang dã.

KBT Láng Sen thuộc vùng trũng của Đồng Tháp Mười có hệ sinh thái đa dạng

Theo ngành chức năng, KBT Láng Sen đang cần được phát triển và nhân rộng hơn để không chỉ góp phần phục hồi đa dạng sinh học mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn các vùng đất ngập nước tại Việt Nam.

Rừng già trong khu bảo tồn

KBT Láng Sen có diện tích 4.802ha nằm trên địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Năm 2015, Khu Bảo tồn Láng Sen trở thành khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) thứ 2.227 của thế giới.

Các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho khoảng 500 học sinh tại các trường học trong vùng đệm

Khu Bảo tồn Láng Sen thuộc vùng trũng của Đồng Tháp Mười, có hệ sinh thái đa dạng. Qua khảo sát, vùng Láng Sen có 156 loài thực vật hoang dã, 149 loài động vật có xương sống, trong đó có 13 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam như trăn đất, rắn ráo, chim bạc má...

Ngoài động vật, nơi đây còn có thảm thực vật tự nhiên ven sông rạch phong phú. Vào mùa khô, đây còn là chỗ trú ẩn của các loài bò sát như rắn ri, rùa, cua đinh...

Khu bảo tồn có thảm thực vật tự nhiên ven sông rạch phong phú